SINH HOẠT CHUYÊN MÔN TỔ 2+3
Sử dụng phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực thực hiện CTGDPT 2018 trong Trường tiểu học
Để nâng cao khả năng tiếp cận và ứng dụng các PP, KTDHTC cho giáo trong nhà trường tiểu học, tổ chuyên môn 2-3 tổ chức thảo luận về: “Sử dụng phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực thực hiện CTGDPT 2018 trong trường tiểu học.”
Trong mỗi giờ học, để học sinh có thể tiếp thu, ghi nhớ và vận dụng kiến thức một cách tốt nhất thì giáo viên cần tổ chức để học sinh được tham gia các hoạt động mang tính trải nghiệm và dạy lại kiến thức cho người khác. Để học sinh được tự trải nghiệm, hoặc dạy lại cho người khác thì giáo viên có thể sử dụng một số kĩ thuật dạy học tích cực như: Kĩ thuật mảnh ghép, hẹn hò, khăn trải bàn, thẻ giá trị, phân tích phim, trình bày một phút,…Trong buổi thảo luận này, chúng tôi đi sâu vào việc sử dụng hiệu quả PP, KTDHTC: kĩ thuật mảnh ghép kết hợp kĩ thuật công đoạn, kĩ thuật khăn trải bàn, ổ bi, phòng tranh, tạo thẻ giá trị, các ám hiệu trong lớp học.
1. Kĩ thuật khăn trải bàn
Là hình thức tổ chức hoạt động mang tính hợp tác kết hợp giữa hoạt động cá nhân và hoạt động nhóm. Mỗi HS sẽ tự thực hiện nhiệm vụ, sau đó trình bày trước nhóm, nhóm thảo luận để đi đến kết luận chung của cả nhóm.
* Cách tiến hành:
Bước 1: GV chia học sinh thành các nhóm và phát cho mỗi nhóm một tờ giấy. Trên tờ giấy chia thành các phần gồm phần chính giữa và các phần xung quanh tương ứng với số học sinh trong nhóm. Phần chính giữa để ghi tiêu đề của vấn đề cần thảo luận.
Bước 2: Mỗi HS làm việc độc lập trong khoảng vài phút, tập trung suy nghĩ trả lời câu hỏi của giáo viên đưa ra theo vốn hiểu biết của bản thân và viết vào phần giấy của mình.
Bước 3: Hết thời gian làm việc cá nhân, HS thảo luận nhóm rồi thống nhất các ý kiến cá nhân thành ý kiến chung rồi viết vào phần chính giữa của tờ giấy.
Bước 4: Nhóm trưởng báo cáo kết quả thảo luận.
Bước 5: GV nhận xét, kết luận.
.jpg)
2. Kĩ thuật mảnh ghép
Kỹ thuật mảnh ghép là kĩ thuật dạy học mang tính hợp tác, kết hợp giữa cá nhân, nhóm và liên kết giữa các nhóm nhằm giải quyết một nhiệm vụ phức hợp, kích thích sự tham gia tích cực cũng như nâng cao vai trò của cá nhân trong quá trình hợp tác.
*Cách tiến hành:
Vòng 1: Nhóm chuyên gia
- Lớp học sẽ được chia thành các nhóm (khoảng từ 3- 6 người). Mỗi nhóm được giao một nhiệm vụ với những nội dung học tập khác nhau. Ví dụ:
+ Nhóm 1: Nhiệm vụ A
+ Nhóm 2: Nhiệm vụ B
+ Nhóm 3: Nhiệm vụ C
- Mỗi cá nhân làm việc độc lập trong khoảng vài phút, suy nghĩ về câu hỏi và ghi lại những ý kiến của mình.
- Khi thảo luận nhóm, nhóm trưởng phải đảm bảo mỗi thành viên của nhóm mình hiểu và thực hiện được nhiệm vụ GV giao, có khả năng trình bày lại câu trả lời của nhóm ở vòng 2.
Vòng 2: Nhóm mảnh ghép
Hình thành nhóm mới khoảng từ 3-6 người (bao gồm 1-2 người từ nhóm 1; 1-2 từ nhóm 2; 1-2 người từ nhóm 3…), gọi là nhóm mảnh ghép.
Các câu hỏi và câu trả lời của vòng 1 được các thành viên trong nhóm mới chia sẻ đầy đủ với nhau.
Khi mọi thành viên trong nhóm mới đều hiểu, được tất cả nội dung ở vòng 1 thì nhiệm vụ mới sẽ được giao cho các nhóm để giải quyết (lưu ý nhiệm vụ mới này phải gắn liền với kiến thức thu được ở vòng 1)
Các nhóm mới thực hiện nhiệm vụ trình bày và chia sẻ kết quả.
Minh họa:
.png)
3. Kĩ thuật Ổ bi
Kĩ thuật "Ổ bi" là một kỹ thuật dùng trong thảo luận nhóm, trong đó HS chia thành hai nhóm ngồi theo hai vòng tròn đồng tâm như hai vòng của một ổ bi và đối diện nhau để tạo điều kiện cho mỗi HS có thể nói chuyện với lần lượt các HS ở nhóm khác.
Cách tiến hành:
- Bước 1: Khi thảo luận, mỗi HS ở vòng trong sẽ trao đổi với HS đối diện ở vòng ngoài, đây là dạng đặc biệt của phương pháp luyện tập đối tác.
- Bước 2: Sau một ít phút thì HS vòng ngoài ngồi yên, HS vòng trong chuyển chỗ theo chiều kim đồng hồ, tương tự như vòng bi quay, để luôn hình thành các nhóm đối tác mới.
4. Kĩ thuật Hẹn hò
Là 1 biến thể của kĩ thuật Think - Pair - Share.Bản chất là hoạt động cặp đôi.
Cách tiến hành:
Phát cho mỗi người 1 đồng hồ có các khung giờ khác nhau:
Bước 1: Học sinh viết tên của mình vào tờ giấy để xác định: đây là đồng hồ của tôi.
Bước 2: Giới thiệu trò chơi “Hẹn hò”: các cung giờ này là các cung giờ để hẹn đối tác của mình. Ở mỗi cung giờ cho HS hẹn với 1 bạn. Lưu ý HS: Chỉ được hẹn với 1 bạn ở cung giờ.
Bước 3: Sử dụng kết quả hẹn hò:
- Giao nhiệm vụ cho HS, yêu cầu HS sẽ giải quyết nhiệm vụ đó cùng bạn đã hẹn ở 1 khung giờ nào đó.
- HS di chuyển, tìm bạn hẹn để thực hiện nhiệm vụ GV giao.
Bước 4: GV bốc thăm, chọn cặp trình bày.
.jpg)
Ví dụ: Thiết lập cuộc hẹn bằng địa điểm:
.jpg)
Để mỗi tiết học trở lên sinh động, hấp dẫn, phát huy được tính tích cực, chủ động, học sinh tham gia vào quá trình học tập, kích thích tư duy, sáng tạo và cộng tác làm việc của từng em, giáo viên cần căn cứ vào nội dung bài học, điều kiện thực tế của nhà trường, đặc điểm tâm sinh lý học sinh lớp mình để lựa chọn các kĩ thuật dạy học tích cực cho phù hợp.
Tóm lại, có rất nhiều biện pháp đổi mới phương pháp dạy học, kĩ thuật dạy học với những cách tiếp cận khác nhau, trên đây chỉ là một số biện pháp chung. Ngoài ra, phương pháp dạy học còn mang tính chủ quan. Mỗi giáo viên với kinh nghiệm riêng của mình cần xác định những phương hướng riêng để cải tiến phương pháp dạy học phù hợp và có hiệu quả.
Buổi thảo luận thực sự có ý nghĩa đối với việc bồi dưỡng năng lực về chuyên môn cũng như giúp giáo viên nắm vững phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực góp phần hoàn thành nhiệm vụ năm học 2021-2022.
.jpg)
Nhật Tân, ngày 05 tháng 01 năm 2022
Người viết
Phạm Thị Hằng